Điều kiện kinh doanh:

– Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn pháp định theo quy định của Chính phủ và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, vốn pháp định hiện nay là 5 tỷ đồng.

– Doanh nghiệp được cấp Giấy phép phải trực tiếp tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

– Loại hình doanh nghiệp được hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam.

Điều kiện cấp giấy phép:

Doanh nghiệp có vốn pháp định theo quy định trên nếu đủ các điều kiện sau đây thì được cấp Giấy phép:

– Có đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; đề án phải thể hiện năng lực tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ có đủ trình độ và kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu của hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

– Có bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường hợp doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì phải có phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

– Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trình độ từ đại học trở lên, có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế;

– Có tiền ký quỹ theo quy định của Chính phủ. Mức tiền ký quỹ hiện nay là 01 tỷ đồng , trường hợp tiền ký quỹ được sử dụng để giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến người lao động thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiền ký quỹ được sử dụng, doanh nghiệp phải nộp bổ sung cho đủ mức tiền ký quỹ theo quy định.

 

Hồ sơ xin cấp giấy phép bao gồm:

– Văn bản đề nghị xin cấp Giấy phép của Doanh nghiệp

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

– Các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về vốn pháp định theo quy định.

Trình tự thực hiện: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét cấp Giấy phép cho doanh nghiệp sau khi lấy ý kiến của một trong những người có thẩm quyền.

Trường hợp không cấp Giấy phép, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải trả lời và nêu rõ lý do bằng văn bản cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp được cấp Giấy phép phải nộp lệ phí. Mức lệ phí cấp Giấy phép mới hiện nay là 5.000.000 đồng

Kết quả thực hiện: Giấy phép kinh doanh dịch vụ đưa người lao động Việt Nam ra làm việc tại nước ngoài theo Hợp đồng hoặc văn bản trả lời từ chối cấp Giấy phép có lý do của cơ quan có thẩm quyền.